Bé biếng ăn, vì sao? Phải làm gì?

Biếng ăn là tình trạng rất hay gặp ở trẻ em, ở tất cả các lứa tuổi. Biếng ăn có nhiều biểu hiện khác nhau: trẻ ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng lâu không chịu nuốt, không chịu ăn một số loại thức ăn như thịt, cá, trứng, sữa hoặc từ chối ăn tất cả các loại thức ăn, chạy trốn khi tới bữa ăn, nghe thấy lanh canh của thìa, bát, hay nhìn thấy thức ăn đó có phản ứng buồn nôn hoặc bố, mẹ cho ăn không chịu ăn nhưng người khác cho ăn lại ăn…

baby-refusing-solids

Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ em

Nguyên nhân đầu tiên phải nói tới là do thiếu ăn. Người mẹ khi mang thai thiếu ăn (thiếu sắt, thiếu canxi, thiếu kẽm, thiếu các vitamin…). Dẫn tới trẻ bị thiếu ăn ngay từ trong bụng mẹ và suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ. Kết quả là trẻ sinh non tháng, thiếu cân dẫn tới lười bú mẹ ngay từ những tháng đầu sau khi sinh. Những trẻ sinh thường, đủ cân có thể lười bú mẹ, bỏ bú mẹ hoặc đang ăn sữa ngoài bình thường tự nhiên giảm lượng ăn hoặc bỏ hẳn sữa ngoài. Với trẻ lớn hơn cũng xảy ra tình trạng như vậy. Dẫn tới tình trạng này cũng do thiếu ăn (khẩu phần ăn không cân đối, thiếu chất) dẫn tới thiếu vitamin D, thiếu vitamin C, vitamin nhóm B, thiếu Magiê, đặc biệt là tình trạng thiếu kẽm làm cho trẻ rất biếng ăn…Khi cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn.

Nguyên nhân thứ hai là trẻ ốm, mắc các bệnh cấp tính do nhiễm khuẩn, nhiễm virus hệ hô hấp, hệ tiêu hoá (viêm dạ dày, viêm ruột…). Khi trẻ bị nhiễm khuẩn thì hàm lượng các vitamin và các chất khoáng bị mất đi rất lớn, nhất là vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B, Magiê, B6, sắt, kẽm làm cho trẻ biếng ăn. Hơn nữa, trẻ bị nhiễm khuẩn thường dùng kháng sinh dễ dẫn đến loạn khuẩn đường ruột cùng với các tổn thương thực thể tại hệ tiêu hoá, nên trẻ bị chướng bụng, khó tiêu, càng dễ biếng ăn.

Cho trẻ ăn bổ sung quá sớm, khẩu phần ăn không cân đối có nhiều tinh bột cũng làm cho trẻ biếng ăn. Thường một đôi tuần đầu mới ăn bổ sung thì trẻ ăn rất ngon miệng, sau đó trẻ ăn kém dần do nhu cầu vitamin nhóm B (nhất là vitamin B1), Magiê bị thiếu hụt.

– Một số nguyên nhân khác nữa như trẻ mọc răng, viêm loét vùng miệng, ăn không có giờ giấc, ăn quà vặt, hoặc ăn bánh kẹo, nước ngọt trước bữa ăn.

– Thức ăn không hợp khẩu vị cũng làm cho trẻ biếng ăn.

Cuối cùng một số trẻ biếng ăn do nguyên nhân tâm lý (gọi là biếng ăn tâm lý). Khi trẻ bị ốm, mọc răng… trẻ dễ bị biếng ăn. Chưa kịp ăn ngon miệng trở lại thì bị người lớn thúc ép ăn, hoặc là trẻ mải chơi trong khi người lớn thúc ép về mặt thời gian cho nên trong các bữa ăn trẻ bị quát mắng, thậm chí bị đánh làm cho các cháu sợ bữa ăn, chỉ cần nghe hoặc nhìn thấy bát bột, bát cơm là trẻ quay đi, trẻ lớn hơn thì chạy trốn, nhiều cháu cứ hễ thấy bát bột là khóc, buồn nôn. Một số cháu không ăn để “chống đối” cha mẹ.

Để giúp cho trẻ ăn ngon miệng trở lại, cha mẹ các cháu cần phải kiên nhẫn và phối hợp với các bác sĩ Dinh dưỡng, bác sĩ Nhi loại bỏ nguyên nhân gây biếng ăn.

– Nên có một chế độ dinh dưỡng và thuốc dành riêng cho trẻ sinh thiếu tháng, thiếu cân.

– Phòng chống bệnh còi xương, bệnh thiếu máu do thiếu sắt ngay từ tháng tuổi thứ 2, liên tục cho đến ít nhất 5 tuổi.

– Trong thời gian điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, cần phải bổ sung đầy đủ các vitamin A, vitamin C, vitamin nhóm B và các chất khoáng như Magiê, kẽm. Đặc biệt là không được lạm dụng kháng sinh.

– Giảm đau trong qúa trình trẻ mọc răng hoặc viêm loét vùng miệng. Thường thường người lớn ít quan tâm đến vấn đề đau khi trẻ mọc răng mà cho đó là điều bình thường, nhưng thực ra khi mọc răng trẻ rất đau, đau phát sốt và không dám ăn vì sợ đau.

– Tập cho trẻ ăn đa dạng nhiều loại thức ăn và luôn thay đổi món ăn, cách chế biến để cho trẻ ăn ngon miệng. Không nên cho trẻ ăn bổ sung quá sớm. Khi trẻ được 6 tháng tuổi mới nên cho trẻ ăn bổ sung. Không nên vì mong con nhanh tăng cân mà ép trẻ ăn quá nhiều.

– Để giải quyết tình trạng biếng ăn bệnh lý, cần phải có sự tư vấn của bác sĩ dinh dưỡng về chế độ ăn cụ thể, phù hợp với từng trẻ, và điều quan trọng là trong bữa ăn phải tạo ra một không khí vui vẻ thoải mái giúp trẻ ăn ngon miệng. Tránh không nên “đè” trẻ ra bắt ăn, không nên mắng mỏ, doạ dẫm mà phải tìm hiểu nguyên nhân biếng ăn ở trẻ để khắc phục.

>> KHÁM PHÁ: SỬ DỤNG KHÁNG SINH VÀ TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH CHO BÉ ĐÚNG CÁCH

(CÙNG TÌM HIỂU THÔNG TIN VÀ NHẬN NHIỀU PHẦN QUÀ THÚ VỊ – Bấm vào nút “Khám phá”)

KIẾN THỨC KHÁC, MẸ CẦN BIẾT: (click để xem thông tin)

1. Làm trắc nghiệm để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé

 2. Gửi câu hỏi cho chuyên gia 

 3. Cách chăm sóc giúp bé mau khỏi ốm

4. Các nghiên cứu về hiệu quả và an toàn của Imunoglukan trên trẻ nhỏ

 5. Tham gia “CỘNG ĐỒNG NUÔI CON KHÔNG KHÁNG SINH”