Giữ vệ sinh cho bé đúng cách

giữ vệ sinh cho bé đúng cách

 

Nếu mẹ muốn cơ thể bé khỏe mạnh thì việc đầu tiên cần phải làm đó là giữ cho bé luôn sạch sẽ.

Một cơ thể sạch thơm sẽ giúp bé tránh xa được các vi khuẩn có hại và tăng cường sức đề kháng. Tuy nhiên, vệ sinh cho bé như thế nào mới là đúng cách?

Hãy điểm danh những bước cần làm sau đây:

Tắm và vệ sinh vùng rốn

Việc chăm sóc vùng rốn ngay sau khi tắm ở trẻ sơ sinh là rất quan trọng, đặc biệt là khi cuống rốn chưa rụng hẳn. Mẹ cần khử trùng rốn của bé cẩn thận trước khi vệ sinh vùng da này.

Hãy sử dụng các loại xà phòng, sữa tắm tự nhiên không có mùi để tắm cho bé. Những loại chất tẩy này không chứa nhiều thành phần độc hại đối với làn da trẻ con. Tắm cho con bằng nước ấm để con không dễ bị nhiễm lạnh và sợ nước.

Khi chăm sóc rốn cho trẻ sơ sinh, hãy thực hiện theo chỉ dẫn sau:

Bước 1: Lau khô bé sau khi tắm, giữ vùng rốn khô ráo

Bước 2: Rửa tay mẹ thật sạch. Kiểm tra vùng rốn xem có dấu hiệu bất thường không. Nếu không, chuyển sang bước 3. Nếu có, chuyển sang bước 5.

Bước 3: Rửa tay mẹ lại và sát trùng bằng cồn 70 độ. Dùng que gòn sát trùng rốn từ trong ra ngoài, mỗi que gòn chỉ sử dụng duy nhất một lượt sát trùng.

Bước 4: Sử dụng que gòn sạch để làm khô rốn và giữ rốn khô thoáng. Chỉ khi rốn bé chưa rụng mới cần mặc tã dưới rốn. Cần tránh để rốn tiếp xúc với các phân và nước tiểu vì rốn sẽ dễ nhiễm trùng.

Bước 5: Nếu kiểm tra thấy rốn có dấu hiệu rỉ mũ, chảy máu hoặc sưng đỏ, mẹ không nên vệ sinh tại nhà cho bé mà hãy lập tức đưa bé đến ngay bệnh viện để kịp thời chữa trị.

Vệ sinh tai, mũi

Dùng khăn ấm mềm để lau tai cho bé. Mẹ chỉ vệ sinh tai cho bé tối đa 2 lần mỗi tuần, có thể dùng dầu em bé nhỏ vào tai con để làm mềm ráy tai cũng như ngăn hình thành ráy tai.

Mẹ nên làm sạch gỉ mũi cho bé để mũi bé luôn thông thoáng, dễ hô hấp. Có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc thuốc xịt mũi để làm mềm chất nhầy trong mũi, điều này giúp mẹ hút chất nhầy trong mũi bé ra dễ dàng hơn mà không làm đau bé.

Chăm sóc vùng mắt

Đôi mắt của bé là bộ phận mà mẹ cần phải kiểm tra thường xuyên. Hãy dùng khăn mềm tự nhiên, làm ẩm trong nước ấm và lau nhẹ nhàng mắt của bé. Tránh để bé tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử, ti vi để phòng ngừa tật khúc xạ mắt.

Vệ sinh răng miệng

Đối với răng sữa, mẹ cũng nên vệ sinh bằng cách dùng bàn chải có đầu lông siêu mềm. Nhớ là chỉ nên dùng một lượng kem đánh răng nhỏ bằng hạt đậu thôi nhé. Ở trẻ lớn hơn, mẹ hãy dạy bé thói quen đánh răng hằng ngày vào buổi sáng và tối và khuyến khích bé duy trì thói quen đó như là một niềm vui mỗi ngày.

Giữ các khe ngách luôn khô thoáng

Các vùng da khép kín trên cơ thể bé (mông, nách, khủy tay, khủy chân, bẹn, cổ…) là nơi dễ bị hăm hoặc đóng vi khuẩn nhiều nhất. Ở trẻ sơ sinh, mẹ cần giữ cho những vùng này sạch sẽ bằng cách lau sạch nhẹ nhàng bằng nước ấm và dùng phấn rôm để bé luôn cảm thấy khô thoáng.

Cắt móng tay, móng chân

Tay và chân là hai bộ phận mà trẻ dễ tiếp xúc với nhiều vi khuẩn nhất. Móng tay chính là nơi lưu giữ những chất bẩn ấy ngay cả khi mẹ đã tắm cho trẻ. Hãy bấm gọn gàng móng tay và chân của bé và dùng khăn ấm mềm lau sạch nhẹ nhàng. Việc này ngoài công dụng ngăn vi khuẩn xâm nhập vào miệng bé mà còn tránh va quệt móng vào da gây trầy xước da.

Giữ cho tay mẹ luôn sạch sẽ

Dù cố gắng thế nào đi nữa nhưng nếu tay mẹ không sạch thì mọi nỗ lực ở trên đều hầu như tan biến. Bàn tay mẹ có thể trở thành một ổ bệnh cho bé nếu như mẹ không để ý. Hãy luôn rửa tay sạch và sát trùng tay trước khi tiếp xúc với bé, đặc biệt là khi cho bé ăn mẹ nhé.

Làm sạch không gian xung quanh bé

Các đồ vật xung quanh mà bé có thể với, chạm tới đều có khả năng là tác nhân mang vi trùng tới cho bé. Mẹ hãy để ý đến việc lau dọn nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là không gian xung quanh gần với bé nhất như giường, thành giường, đồ chơi, bệ toa lét, tay cầm cửa, điện thoại, remote tivi,…